Thay vì giận dỗi hay trách móc chồng vì không lắng nghe, các bà vợ có thể lựa chọn cách giao tiếp hợp lý, tôn trọng ý kiến của đối phương để tạo ra sự hòa hợp trong mối quan hệ.
Một trong những thử thách lớn trong cuộc sống hôn nhân là làm sao để chồng lắng nghe mà không cần vợ phải nhắc đi nhắc lại. Dưới đây là một số cách giúp bạn cải thiện giao tiếp và khiến chồng chú ý hơn đến những gì mình nói.
Chọn thời điểm phù hợp để trò chuyện
Việc lựa chọn thời điểm để nói chuyện có thể giúp chồng cảm thấy thoải mái và dễ dàng lắng nghe bạn hơn. Khi cần bàn bạc một vấn đề quan trọng, đừng cố gắng bắt đầu cuộc trò chuyện khi anh ấy chưa sẵn sàng, chẳng hạn như lúc đang xem bóng đá hoặc trò chuyện với bạn bè. Lúc này, anh ấy có thể cảm thấy khó chịu và chỉ muốn kết thúc cuộc trò chuyện nhanh chóng.
Nếu bạn bắt đầu nói chuyện khi đối phương đang căng thẳng, mệt mỏi, hoặc bị phân tâm, cuộc đối thoại dễ dàng dẫn đến những phản ứng tiêu cực và gây cản trở.
Nên xem: Không khí gia đình: “Chiếc nôi” nuôi tính cách và cảm xúc của trẻ
Nghiên cứu của Viện Gottman (Mỹ) khuyến nghị rằng trước khi bắt đầu một chủ đề quan trọng, bạn nên hỏi đối tác liệu bây giờ có phải là thời điểm thích hợp để nói chuyện không. Điều này giúp tránh sự thất vọng và đảm bảo rằng họ đã sẵn sàng tham gia. Nếu bạn thường xuyên cố gắng bàn về một vấn đề khi đối phương không thực sự rảnh rỗi, điều này có thể dẫn đến những cuộc tranh cãi lớn hơn.
Thay vào đó, bạn có thể chọn thời gian ăn tối để thảo luận, khi cả hai đều cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn.
Không la hét hay nổi giận khi cãi vã
Những hành động cực đoan như la hét, nổi giận hoặc đe dọa bỏ đi trong mỗi cuộc cãi vã sẽ chỉ khiến chồng phản ứng tiêu cực hơn. Những hành động này không có lợi cho bất kỳ mối quan hệ nào. Thay vào đó, hãy kiểm soát cảm xúc của mình và đợi đến khi cả hai đều bình tĩnh, sẵn sàng ngồi lại để cùng giải quyết vấn đề.
Lắng nghe ý kiến của chồng
Khi muốn thực hiện một quyết định nào đó, tham khảo ý kiến của chồng là một cách thể hiện sự tôn trọng với anh ấy. Đàn ông thường thích được đưa ra quan điểm và muốn bạn đón nhận nó một cách tích cực. Khi họ cảm nhận được sự tôn trọng, dù bạn có phản đối ý tưởng của họ, họ cũng sẽ sẵn lòng lắng nghe và cùng nhau tìm ra giải pháp mới.
Giải thích nhẹ nhàng thay vì ra lệnh
Thay vì ra lệnh cho chồng như “Em cần anh đưa đi spa ngay lập tức” hay “Em cần anh làm việc nhà”, bạn có thể nói những câu như: “Em làm việc 40 giờ một tuần, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc các con. Em cảm thấy rất mệt mỏi. Anh có thể giúp em thư giãn một ngày không?” Cách nói này sẽ giúp chồng thấu hiểu và tạo ra sự kết nối cảm xúc mạnh mẽ hơn giữa hai người.
Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy rằng việc giải thích và bày tỏ mong muốn một cách nhẹ nhàng sẽ giúp cả hai cảm thấy được tôn trọng và nhìn nhận. Tuy nhiên, mọi thứ cần có sự cân nhắc. Việc giải thích hoặc biện minh quá nhiều có thể khiến đối phương cảm thấy đề phòng và khó chịu.
Tránh thay đổi cách xưng hô và cụm từ “không bao giờ”, “lúc nào cũng”
Khi giao tiếp với chồng, đặc biệt khi cảm thấy bực tức, phái nữ có thể vô tình thay đổi cách xưng hô và sử dụng những cụm từ như “không bao giờ” hay “lúc nào cũng” để chỉ trích, như “Anh không bao giờ trân trọng em” hay “Anh lúc nào cũng lười biếng”. Những câu nói này có thể khiến đối phương cảm thấy bị chỉ trích và phản ứng tiêu cực.
Thay vào đó, bạn có thể nói: “Chúng ta nên dành một ngày để lắng nghe và hiểu nhau hơn”, hoặc “Hay là chúng ta cùng làm điều này với nhau”. Cách nói này sẽ giúp mọi thứ trở nên nhẹ nhàng và dễ dàng tiếp nhận hơn.
Nên xem: 7 giai đoạn của hôn nhân, thực tế không như kỳ vọng.
Nói chung giao tiếp trong hôn nhân luôn cần sự tinh tế và thấu hiểu. Bằng cách lựa chọn từ ngữ nhẹ nhàng, tôn trọng và tránh những cụm từ chỉ trích, bạn có thể tạo ra một không gian đối thoại cởi mở, giúp cả hai hiểu nhau hơn và gắn kết tình cảm.