Trẻ nhỏ học hỏi và khám phá thế giới xung quanh qua trí tưởng tượng và những trò chơi. Cha mẹ có bao giờ thấy con mình cầm một hòn đá và tưởng tượng đó là chiếc xe hơi, biến một tờ giấy thành chiếc thuyền, dùng xô nước làm biển và thả thuyền giấy trôi bồng bềnh? Hoặc nhìn thấy trẻ lấy một mảnh lego nhỏ và cho nó nhảy trên bàn như một chú thỏ đáng yêu?
Tham khảo thêm: 4 cách giáo dục khiến cha mẹ và con lúc nào cũng căng thẳng
1/ Sự phát triển ngôn ngữ vốn từ.
Khi trẻ đang chơi giả vờ, chúng đang chơi như thể mọi thứ và mọi người đều thật sự tồn tại. Trẻ tạo ra một tình huống trong đó mọi thứ diễn ra sống động theo cách riêng của nó. Chẳng hạn, trẻ có thể đưa cốc nước đến miệng búp bê rồi đặt búp bê lên giường – với trẻ, búp bê như thể đang sống, thật sự uống nước (thậm chí có thể “ợ” nữa). Khi búp bê được đặt lên giường, trẻ tin rằng búp bê thực sự đang ngủ, nên sẽ chờ đợi cho đến khi búp bê “thức dậy.”
Cha mẹ đã bao giờ lắng nghe khi trẻ chơi giả vờ cùng đồ chơi hoặc bạn bè chưa? Có thể cha mẹ sẽ ngạc nhiên khi nghe những từ hoặc cụm từ mà mình không ngờ rằng trẻ đã biết! Thường thì chúng ta nghe thấy chính lời nói của mình được tái hiện qua trò chơi của trẻ, khi trẻ có thể bắt chước hoàn hảo cách nói chuyện của cha mẹ hay giáo viên. Thông qua việc chơi giả vờ với người khác, trẻ học cách sử dụng ngôn ngữ để kể lại một câu chuyện hoặc mô phỏng các tình huống trong trò chơi. Chơi giả vờ mở ra cơ hội giúp trẻ tiếp cận những từ vựng mới trong các bối cảnh khác nhau, từ đó mở rộng vốn từ của mình. Trẻ có thể tưởng tượng cả buổi chiều ở sân bay hoặc buổi sáng ở bệnh viện, học các từ ngữ liên quan đến từng tình huống. Ngoài việc giúp trẻ hiểu biết nhiều hơn, chơi giả vờ còn giúp trẻ bớt lo lắng khi gặp ngôn ngữ và tình huống mới lạ. Vốn từ cá nhân của trẻ sẽ phát triển khi chúng bắt đầu sử dụng từ ngữ phù hợp theo ngữ cảnh. Thông qua việc giả vờ và đóng vai, trẻ học cách chọn từ ngữ cẩn thận để người khác hiểu những gì mình muốn truyền đạt. Đổi lại, trẻ cũng học cách lắng nghe người khác để hiểu tình huống xung quanh – một kỹ năng thiết yếu giúp trẻ tiếp thu kiến thức khi đến trường.
2/ Phát triển nhân cách.
Khi trẻ tham gia chơi giả vờ, chúng đang thử nghiệm tích cực các vai trò xã hội và cảm xúc của cuộc sống. Thông qua việc hợp tác trong trò chơi, trẻ học cách thay phiên, chia sẻ trách nhiệm và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Khi đóng vai thành các nhân vật khác nhau, trẻ có cơ hội trải nghiệm và cảm nhận những cảm xúc đa dạng, từ đó phát triển kỹ năng đạo đức quan trọng như sự đồng cảm, học cách hợp tác, trở nên có trách nhiệm và biết chia sẻ công việc.
Ở lứa tuổi nhỏ, trẻ thường nhìn thế giới theo quan điểm vị kỷ, điều này hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, qua việc giả vờ thử nghiệm, trẻ bắt đầu nhận ra và biết cách phản ứng tích cực với cảm xúc của người khác. Trong mỗi trò chơi đóng vai, trẻ phải cùng nhau thỏa thuận về chủ đề, vai trò và các quy tắc chơi, điều này đòi hỏi trẻ phải hiểu và hợp tác với nhau.
Chơi giả vờ cũng giúp trẻ phát triển lòng tự trọng và tự tin, thúc đẩy tính sáng tạo, cho phép trẻ trải nghiệm và thể hiện các cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực. Trẻ học cách điều chỉnh hành vi theo cảm xúc, ứng phó với chúng một cách lành mạnh, kiểm soát cơn giận, học các hành vi tốt và, trong một số trường hợp, tìm cách giảm bớt sự gây hấn.
Chơi giả vờ mang đến cho trẻ nhiều tình huống cần giải quyết. Dù đó là việc hai trẻ muốn đóng cùng một vai hay tìm kiếm món đồ để làm mái nhà cho ngôi nhà, con bạn đang phát triển những kỹ năng tư duy quan trọng mà trẻ sẽ sử dụng trong mọi khía cạnh của cuộc sống, ngay cả khi trưởng thành. Ký ức cũng được hình thành thông qua hoạt động này khi trẻ tái hiện lại những trải nghiệm quá khứ. Nhờ hình thức tư duy trừu tượng, trẻ có thể nhớ lại những gì đã diễn ra trong các tình huống, học cách thu thập và quản lý suy nghĩ, cũng như phản ứng của mình với những tình huống đó, từ đó học cách giải quyết vấn đề và vượt qua khó khăn.
Tham khảo thêm: 3 giai đoạn con trẻ phát triển trí thông minh, cha mẹ cần nắm bắt.
Chẳng hạn, khi trẻ chuẩn bị bàn ăn, gọi người thân nghe điện thoại, hay tưởng tượng một chuyến đi đến nha sĩ, trẻ đang rèn luyện sự tư duy và quản lý tình huống. Chơi giả vờ còn có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng toán học, đọc và viết khi đồ chơi được sử dụng đúng cách. Ngoài ra, trò chơi này còn giúp trẻ hiểu biết sâu hơn về khoa học, về thế giới rộng lớn xung quanh và những sự kiện quan trọng đang diễn ra.
3/ Phát triển tư duy
Chơi giả vờ từ sớm giúp trẻ phát triển khả năng tư duy linh hoạt và sự sáng tạo. Khi tham gia vào các trò chơi giàu trí tưởng tượng, trẻ có cơ hội thực hành và sử dụng trí tưởng tượng, rèn luyện não bộ để suy nghĩ sáng tạo và tự chủ. Khả năng tưởng tượng là một kỹ năng nhận thức quan trọng mà chúng ta cần trong suốt cuộc đời, và việc tạo điều kiện để trẻ thường xuyên có cơ hội chơi giả vờ sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng này. Chính nhờ trí tưởng tượng được rèn luyện từ nhỏ, khi trưởng thành, chúng ta mới có thể hoàn thành các nhiệm vụ phức tạp mà cuộc sống yêu cầu.
Như Albert Einstein từng nói: “Logic sẽ đưa bạn từ A đến Z, trí tưởng tượng sẽ đưa bạn đến mọi nơi.” Người lớn hằng ngày phải sử dụng trí tưởng tượng để giải quyết vấn đề, lập kế hoạch, phát triển và khám phá hay phát minh những điều mới mẻ. Đây là yếu tố cần thiết để suy nghĩ sáng tạo và hiểu biết sâu sắc về thế giới.
Bên cạnh những lợi ích nhận thức tuyệt vời mà chơi giả vờ mang lại, điều quan trọng là nhận ra rằng hoạt động này cũng giúp trẻ vận động, tập thể dục và phát triển kỹ năng vận động. Các kỹ năng vận động thô được rèn luyện khi trẻ đóng vai các phi công chạy nhảy xung quanh, lính cứu hỏa leo lên thang hoặc ngựa phi nước đại trên cánh đồng. Kỹ năng vận động tinh và phối hợp tay-mắt được cải thiện khi trẻ thử mặc đồ cho búp bê, tính tiền trong cửa hàng, hoặc “nấu ăn” với nhiều nguyên liệu khác nhau.
Ngay cả trong những tình huống chơi mạnh mẽ, các nghiên cứu cho thấy rằng những trò chơi nhập vai có tính chất thô bạo – khi được giám sát và không đi quá đà – có thể giúp phát triển thùy trán của não, bộ phận điều chỉnh hành vi. Thay vì ngăn cấm, cha mẹ có thể cho phép trẻ chơi vận động nếu đây là điều trẻ thích, để trẻ học cách kiểm soát và hiểu khi nào thì nên kiềm chế hoặc điều chỉnh hành vi.
Chơi giả vờ không chỉ dành cho bé gái mà là trò chơi phát triển thiết yếu cho cả bé trai. Hiện nay, nhiều phụ huynh khi đưa bé đến phòng khám vẫn còn băn khoăn khi để bé trai tham gia các trò chơi như búp bê, không phải vì lý do an toàn mà do lo ngại “bé trai chơi búp bê có thể ảnh hưởng giới tính”. Hy vọng qua bài viết này, cha mẹ sẽ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của trò chơi giả vờ, cùng con tham gia, khích lệ điều con yêu thích, để trí tưởng tượng của trẻ được tự do phát huy mà không bị ràng buộc bởi các định kiến, giúp trẻ phát triển toàn diện nhất.
Chuyên mục phổ biến
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |