Để giúp trẻ nói chuyện tự tin và điềm tĩnh, điều quan trọng là tạo ra một môi trường an toàn và khuyến khích sự tự do thể hiện cảm xúc.
Cha mẹ và người lớn cần lắng nghe và tôn trọng quan điểm của trẻ, không phán xét hay cắt ngang khi trẻ nói. Bằng cách đưa ra những câu hỏi mở và tạo cơ hội cho trẻ diễn đạt suy nghĩ của mình, trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn khi giao tiếp. Đồng thời, việc dạy trẻ kỹ năng kiểm soát cảm xúc, như hít thở sâu hoặc tạm dừng một lúc trước khi phản ứng, cũng giúp trẻ nói chuyện một cách điềm tĩnh và suy nghĩ thấu đáo hơn trong mọi tình huống.
Nên xem: Dạy con chào hỏi, kỹ năng giao tiếp cơ bản cần daỵ con
Bước 1: Hít thở
Một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp trẻ chuẩn bị cho việc nói chuyện là hít thở. Nhiều nghiên cứu cho thấy hít thở có mối liên hệ trực tiếp với lo lắng và cảm xúc. Trước khi bắt đầu nói, hãy khuyến khích trẻ kết nối với hơi thở của mình. Bạn có thể yêu cầu trẻ đặt một tay lên tim và tay còn lại lên bụng, thực hiện hít thở sâu ba lần. Ngoài ra, bạn cũng có thể thử các bài tập thở thiền hoặc một cách thở vui nhộn như thở theo động vật để làm dịu tâm trạng.
Bước 2: Giúp trẻ nhận diện cảm xúc
Chú ý đến các phản ứng cơ thể của trẻ để hiểu rõ cảm xúc mà trẻ đang trải qua. Các dấu hiệu như lòng bàn tay đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh, miệng khô hay cơ thể căng thẳng là những biểu hiện điển hình của sự lo lắng. Động viên trẻ rằng những phản ứng này là hoàn toàn tự nhiên khi đối mặt với thử thách và chúng ta thừa hưởng những phản ứng này từ tổ tiên của mình.
Tracy Dennis Tiwary, Giáo sư Tiến sĩ khoa học thần kinh và tác giả cuốn sách Future Tense (Tại sao lo lắng lại có ích), cho biết: “Lo lắng là một cảm xúc phát triển để bảo vệ chúng ta và tăng cường sức mạnh sáng tạo, năng suất của chúng ta”. Khi chúng ta cảm thấy lo lắng, dopamine được gia tăng, giúp bảo vệ và thúc đẩy hành động. Vì vậy, khi trẻ chuẩn bị nói trước đám đông, hãy khuyến khích các em sử dụng từ ngữ tích cực để mô tả cảm giác của mình. Việc này giúp trẻ thay đổi cách nhìn nhận về cảm xúc của mình, từ đó giúp các em cảm thấy: “Tôi cảm thấy lo lắng và năng động; sợ hãi nhưng chuẩn bị; lo lắng nhưng đầy phấn khích”.
Bước 3: Đứng vững và chân thật
Khi chúng ta lắc lư hoặc di chuyển không cần thiết, năng lượng sẽ bị mất đi. Hãy hướng dẫn trẻ tưởng tượng như thể đang dính keo dưới chân hoặc hình dung rễ cây mọc ra từ lòng bàn chân. Mục tiêu là giúp trẻ đứng vững, tạo cảm giác vững vàng và tự tin khi phát biểu.
Bước 4: Khởi động lưỡi
Giống như các diễn viên, việc khởi động lưỡi trước khi nói là điều quan trọng để đảm bảo phát âm rõ ràng. Một số bài tập đơn giản bao gồm:
- Mở rộng miệng (như khi ngạc nhiên), sau đó chu môi (như khi ăn quả chanh).
- Thổi hơi qua môi, tạo ra âm thanh như ô tô hoặc tàu cao tốc.
- Đập vào ngực và lưng (giống như khỉ đột!) trong khi phát âm “ờ hừm”.
- Thực hành các câu nói khó như “Lúa nếp là lúa nếp làng. Lúa lên lớp lớp lòng nàng lâng lâng” hoặc “Buổi trưa ăn bưởi chua”.
Nên xem: Trẻ có EQ cao thường sử dụng những câu nói sau, giúp trẻ vượt qua biến động cuộc sống
Bước 5: Nói to hoặc tìm cách thu hút sự chú ý
Nếu trẻ có xu hướng nói quá nhỏ, hãy giúp các em học cách điều chỉnh âm lượng trong các bối cảnh khác nhau. Trước khi nói, bạn có thể yêu cầu trẻ giả vờ như đang ở sân chơi và cần thu hút sự chú ý của ai đó. Một cách khác là cho trẻ hát một bài hát đơn giản và sau đó bắt đầu nói hoặc đọc. Điều này giúp các em hiểu được cách điều chỉnh âm lượng phù hợp khi trình bày.
Bước 6: Học cách ngắt nghỉ
Theo bà Kristin Linklater, huấn luyện viên thanh nhạc nổi tiếng, “Nếu bạn nín thở theo bất kỳ cách nào, một phần hơi của bạn luôn mất đi.” Hít thở không chỉ quan trọng khi chuẩn bị nói mà còn trong suốt quá trình phát biểu. Để tránh tình trạng hết hơi và mất đi sự truyền cảm, hãy dạy trẻ cách ngắt nghỉ hợp lý, đặc biệt là khi có dấu câu, để đảm bảo hơi thở đều đặn và giọng nói rõ ràng.
Bước 7: Sử dụng cử chỉ và sắc tố hội thoại
Nếu bài văn có hội thoại, hãy khuyến khích trẻ tự hỏi và trả lời như thể nhập vai vào nhân vật. Tùy vào nhân vật, bạn có thể làm mẫu cho trẻ về cách thay đổi nhịp điệu, cao độ hoặc âm lượng khi phát âm, từ đó làm cho bài đọc trở nên sinh động và dễ nghe hơn.
Tương tự như vậy, việc sử dụng cử chỉ cũng giúp các em làm cho nhân vật của mình trở nên sống động hơn. Ví dụ, một nhân vật có thể reo hò và vỗ tay thật to, một người khác có thể chỉ tay khi buộc tội ai đó, hoặc một nhân vật có thể hất tay để bác bỏ một ý tưởng.
Quan trọng hơn cả, hãy chủ động diễn lại những phần mà bạn thấy thú vị nhất cùng với trẻ. Điều này không chỉ khuyến khích các em thích thú với việc kể chuyện, mà còn kích thích sự chia sẻ, khám phá và yêu thích văn học hơn.